Cẩm Nang Sức Khỏe Gia Đình: Cảnh Báo Nguy Hiểm Từ Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ

Khi chăm sóc sức khỏe gia đình, bên cạnh việc chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần thì sức khỏe giấc ngủ cũng rất quan trọng, trong đó, ngưng thở khi ngủ là một hội chứng đáng được lưu tâm.

Là một rối loạn ngày càng phổ biến, hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong ở cả người lớn và trẻ em.

Ngưng thở khi ngủ là gì? Có những loại ngưng thở khi ngủ nào?

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Trong đó, hô hấp của người bệnh bị tạm ngừng hoặc giảm đi trong một thời gian ngắn khi ngủ, thường đặc trưng bởi những đợt ngừng thở trên 10 giây hoặc nhịp thở giảm 50% trên 10 giây, kích thích cơ thể tỉnh lại từ những giấc ngủ sâu.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Hiện tượng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm, xảy ra ít nhất 5 lần mỗi giờ, thậm chỉ có thể lên đến trăm lần mỗi giờ. Và có 2 loại ngưng thở khi ngủ khi chăm sóc sức khỏe gia đình cần lưu ý:

1. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnoea) là chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất, trong đó đường thở bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, dẫn đến ngừng thở tạm thời trong khi ngủ.

Nguyên nhân của tình trạng này thường là do đường thở bị thu hẹp bởi béo phì, nghiện rượu, phì đại tuyến amidan hoặc thay đổi nồng độ hormone.

2. Ngưng thở khi ngủ do trung ương (CSA)

Khác với ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, hội chứng ngưng thở khi ngủ do trung ương (Central Sleep Apnoea) xảy ra khi não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ kiểm soát hoạt động thở. Người bị CSA thường có các đợt ngừng thở ngắn trong khi ngủ, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn.

Theo các bác sĩ, các bệnh lý như tổn thương thân não, đột quỵ, viêm não và việc sử dụng một số loại thuốc như morphine, oxycodone, codeine,… là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ này.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Ai dễ mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ?

Ngưng thở khi ngủ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe gia đình, hội chứng này có thể xảy ra với tất cả mọi người trong gia đình, kể cả trẻ em. Những người dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường có một số đặc điểm và yếu tố nguy cơ sau:

  • Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và béo phì thường có nguy cơ cao hơn do mỡ thừa có thể làm hẹp đường hô hấp.

  • Nam giới dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, nguy cơ ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ sẽ tăng lên ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.

  • Người lớn tuổi, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên.

  • Tiền sử gia đình có người bị ngưng thở khi ngủ.

  • Người có kích thước cổ lớn, chu vi cổ lớn hơn 43cm đối với nam và lớn hơn 38cm đối với nữ.

  • Người có cấu trúc bất thường về đường hô hấp trên như cơ hàm nhỏ hoặc lưỡi to, hẹp đường hô hấp hoặc các vấn đề về cấu trúc mũi, họng như amidan lớn, tắc nghẽn mũi.

  • Người thường xuyên sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ.

  • Người mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Cách nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ để bảo vệ sức khỏe gia đình

Hội chứng ngưng thở khi ngủ rất thường gặp nhưng thường bị bỏ sót khi chăm sóc sức khỏe gia đình vì các triệu chứng đã tồn tại trong thời gian dài, khiến người bệnh có cảm giác “quen thuộc” và xem đó là bình thường. Trong khi đó, ngưng thở khi ngủ lại là một chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm, có nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Do đó, khi chăm sóc sức khỏe gia đình, sự quan sát giấc ngủ từ người thân và người chăm sóc là rất quan trọng. Trong đó, một số biểu hiện đặc trưng của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Ngáy to, đây là triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra thường xuyên với âm lượng lớn.

  • Người bệnh có thể ngừng thở ngắn hạn nhiều lần trong đêm, mỗi lần kéo dài từ vài giây đến vài phút.

  • Thức giấc đột ngột với cảm giác nghẹt thở, hụt hơi, thở hổn hển.

  • Thở khò khè, tiếng thở có thể bị gián đoạn và không đều.

  • Thức giấc nhiều lần hoặc đi vệ sinh nhiều lần trong đêm.

  • Đổ nhiều mồ hôi, cảm giác khô miệng hoặc đau họng sau khi tỉnh dậy.

  • Do giấc ngủ bị gián đoạn, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu năng lượng trong suốt ngày.

  • Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, giảm hiệu suất làm việc và học tập.

  • Thường xuyên thức dậy với cơn đau đầu nhẹ.

  • Tâm trạng thay đổi, dễ cáu gắt, lo âu, hoặc trầm cảm do thiếu ngủ.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Nếu nhận thấy người thân trong gia đình có những biểu hiện trên khi ngủ, cần đưa họ đi thăm khám sớm để điều trị kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nghiệm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

Ảnh hưởng sức khỏe gia đình từ chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ không chỉ là rối loạn giấc ngủ thông thường gây ra mệt mỏi, mà còn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, thiếu tập trung, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gia đình với những bệnh lý nguy hiểm.

1. Vấn đề tim mạch

Tăng huyết áp là một biến chứng có mối liên hệ chặt chẽ với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Theo nghiên cứu, những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ có huyết áp bình thường không được điều trị có khả năng cao bị tăng huyết áp trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu oxy về đêm lặp đi lặp lại khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, điều này được chứng minh có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí là đột quỵ.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

2. Sức khỏe hô hấp bị suy giảm

Sự gián đoạn giấc ngủ cho chứng ngưng thở làm giảm lượng oxy trong máu, gây ra hiện tượng thiếu oxy mãn tính. Hậu quả là phổi phải làm việc nhiều hơn để cố gắng duy trì mức oxy cần thiết, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Đồng thời, chứng ngưng thở khi ngủ cũng gây ra cho người bệnh sự mệt mỏi, khó thở và cảm giác không thoải mái khi thở vào ban ngày.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm chứng ngưng thở khi ngủ khi chăm sóc sức khỏe gia đình có thể giúp cải thiện chức năng hô hấp, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh.

3. Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần

Hội chứng ngưng thở khi ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình về mặt thể chất mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Khi giấc ngủ bị gián đoạn, người bệnh khó có thể đạt được giấc ngủ sâu để phục hồi năng lượng cho cơ thể, hậu quả là họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng vào ban ngày.

Sự mệt mỏi liên tục và kéo dài làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập. Bên cạnh đó, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ còn rất dễ cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc và trầm cảm, làm giảm chất lượng sống cũng như tăng nguy cơ rạn nứt các mối quan hệ xã hội.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

4. Giảm chất lượng giấc ngủ bản thân và gia đình

Mỗi lần ngưng thở khi ngủ có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút, khiến người bệnh không thể duy trì giấc ngủ sâu. Không dừng lại ở đó, ngưng thở khi ngủ cũng thường kèm theo ngáy to và thở khò khè, điều này sẽ làm phiền đến các thành viên khác và ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình trong giấc ngủ.

Cũng giống như thở, ăn và uống, ngủ là nhu cầu thiết yếu của con người. Một giấc ngủ chất lượng sẽ giúp hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất. Ngược lại, chất lượng giấc ngủ kém có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe gia đình, làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, bệnh tim và huyết áp cao.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

5. Những ảnh hưởng khác đối với sức khỏe gia đình

  • Rối loạn chuyển hóa: chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm suy giảm khả năng chuyển hóa glucose, dẫn đến tình trạng kháng insulin và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Béo phì: Sự gián đoạn giấc ngủ làm thay đổi hormone điều chỉnh cảm giác đói và no, khiến người bệnh tăng cảm giác thèm ăn và ăn nhiều hơn.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: sự gia tăng chất béo trong gan do chứng ngưng thở khi ngủ có thể góp phần làm tổn thương gan nghiêm trọng và gia tăng các bệnh lý về gan.
  • Tăng nguy cơ biến chứng liên quan đến gây mê trong phẫu thuật: người bị ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán trước khi phẫu thuật gây mê có thể gây nguy hiểm tính mạng, vì khi phẫu thuật người bệnh phải nằm ngửa dẫn đến khó thở.

Cẩm nang sức khỏe gia đình: Cách phòng tránh chứng ngưng thở khi ngủ

Cách chăm sóc sức khỏe gia đình để phòng tránh chứng ngưng thở khi ngủ có thể được thực hiện thông qua nhiều biện pháp thay đổi lối sống. Dưới đây là một số cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc hội chứng nguy hiểm này:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: bằng các phương pháp giảm cân an toàn, phù hợp để đưa chỉ số cân nặng của cơ thể về mức bình thường.
  • Tập thể dục thường xuyên: không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp, mà còn giúp duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Tránh sử dụng rượu, thuốc lá và thuốc an thần: rượu, thuốc lá và thuốc an thần có thể làm giãn cơ ở cổ họng, gây viêm, làm hẹp đường hô hấp, dẫn đến triệu chứng ngưng thở khi ngủ. Do đó, cần hạn chế sử dụng những chất kích thích này, đặc biệt là thời điểm trước khi đi ngủ.
  • Ngủ đúng tư thế: ngủ nằm nghiêng thay vì nằm ngửa để tránh lưỡi hoặc vòm họm đè xuống lấp mất đường thở, giúp giữ cho đường hô hấp thông thoáng, giảm nguy cơ ngưng thở.
  • Giữ mũi thông thoáng: sử dụng các biện pháp để giữ cho mũi thông thoáng như sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc rửa mũi bằng dung dịch muối sinh lý.
  • Điều trị các vấn đề về hô hấp: tuân thủ điều trị các bệnh lý hô hấp mãn tính theo đúng chỉ định của bác sĩ như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hoặc viêm phế quản.
  • Trường hợp cơ thể có các vấn đề về giải phẫu: như bất thường về răng hàm mặt, lưỡi gà rủ thấp,… thì cần có sự can thiệp về chuyên khoa.
Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: Freepik

Việc thực hiện các biện pháp trên không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ mà còn cải thiện sức khỏe chất lượng cuộc sống và chăm sóc tốt sức khỏe gia đình.

Đọc thêm:

Tóm lại, ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần của gia đình bạn. Vì vậy, việc nhận thức về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng và tác động của chứng ngưng thở khi ngủ là bước đầu quan trọng để bảo vệ sức khỏe gia đình.

Cảnh báo chăm sóc sức khỏe gia đình
Nguồn: WeCare 247

Bằng cách thực hiện các cách chăm sóc sức khỏe gia đình phù hợp sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Hãy quan tâm và chăm sóc giấc ngủ của cả gia đình ngay từ hôm nay để tạo nền tảng cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Nhiều thông tin sức khỏe gia đình bổ ích vẫn đang được cập nhật hàng ngày tại Fanpage Facebook WeCare 247, bạn đọc hãy đón xem nhé!

Bài viết có sử dụng thông tin từ website của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Đánh giá bài viết

5/5 - (7 bình chọn)

Bài viết khác

Thực Đơn Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình: 5 Loại Gia Vị Giúp Cơ Thể Khỏe Mạnh & Làm Chậm Lão Hóa
Thực Đơn Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình: 5 Loại Gia Vị Giúp Cơ Thể Khỏe Mạnh & Làm Chậm Lão Hóa
Hướng Dẫn Chăm Sóc Sức Khỏe Người Cao Tuổi: 5 Hội Chứng Lão Khoa Thường Gặp
Hướng Dẫn Chăm Sóc Sức Khỏe Người Cao Tuổi: 5 Hội Chứng Lão Khoa Thường Gặp
Chăm Sóc Sức Khỏe Người Cao Tuổi Với Top 10 ​​Thực Phẩm Tăng Cường Trí Nhớ
Chăm Sóc Sức Khỏe Người Cao Tuổi Với Top 10 ​​Thực Phẩm Tăng Cường Trí Nhớ (Phần 2)
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

[…] Ngủ không ngon giấc: Người cao tuổi bị suy hô hấp thường gặp khó khăn trong giấc ngủ, có thể kèm theo ngáy to hoặc ngừng thở khi ngủ. […]