Chăm Sóc Sức Khỏe Người Cao Tuổi Bị Táo Bón: Nguyên Nhân, Hậu Quả & Phòng Ngừa

Sức khỏe tuổi già thường gặp nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có táo bón là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhóm đối tượng này. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc táo bón không đúng cách có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của họ. 

Việc hiểu rõ về nguyên nhân táo bón ở người già giúp đưa ra giải pháp xử trí và cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiệu quả.

Tình trạng táo bón ở người cao tuổi là gì?

Táo bón xảy ra khi người cao tuổi không thể đi tiêu hoàn toàn, quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc số lần đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần. Táo bón thường kèm theo triệu chứng đau quặn bụng, phân rắn, phải rặn mỗi lần đi ngoài.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: WeCare 247

Táo bón thỉnh thoảng xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người già, táo bón trở nên thường xuyên hơn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Theo nghiên cứu, có khoảng 16% người lớn tuổi bị táo bón mãn tính.

Vì sao người già thường mắc chứng táo bón?

Theo nghiên cứu, người cao tuổi có nguy cơ mắc táo bón cao gấp 5 lần so với người trẻ tuổi. Vậy, vì sao người già thường mắc chứng táo bón?

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh táo bón ở người cao tuổi. Trong việc chẩn đoán lâm sàng khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, táo bón được chia thành 2 nhóm là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát. 

Nguyên nhân táo bón nguyên phát ở người già

Sự “lão hóa” của hệ tiêu hóa ảnh hưởng sức khỏe người già

Ở người già, hệ tiêu hóa bị lão hóa dẫn đến những rối loạn chức năng như: rối loạn cơ chế tống phân, nhu động ruột kém, rối loạn chức năng vùng chậu (các khối cơ, dây chằng tại vùng này bị thoái hóa) làm quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra chậm và quá trình đào thải thức ăn cũng trở nên khó khăn. Phân bị khô cứng và đọng lại trong ruột nên gây ra tình trạng táo bón.

Suy giảm chức năng sinh lý tự nhiên do tuổi già

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: Freepik

Tuổi cao làm chức năng sinh lý bị suy giảm, sự co bóp của cơ trơn đường tiêu hóa không còn hiệu quả, các dịch bài tiết của hệ tiêu hóa cũng bị giảm đi đáng kể (dịch vị, dịch mật, dịch ruột) làm tình trạng táo bón ở người cao tuổi tăng lên. Vì vậy, cần có những biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi kịp thời và đúng cách để ngăn ngừa táo bón.

Nguyên nhân táo bón thứ phát ở người già

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc táo bón cần chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng và chuẩn khoa học bởi người cao tuổi thường có thói quen ăn uống và khẩu phần ăn không ổn định.

Họ có xu hướng ăn ít chất xơ như rau xanh, hoa quả (do mất răng hoặc đau răng khiến khả năng nhai kém), làm giảm sự di chuyển của thức ăn trong ruột. 

Bên cạnh đó, việc kiêng khem quá mức, ăn ít hoặc chán ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được sự phản xạ co bóp của đại tràng. Một số người cao tuổi khác lại ăn những loại thức ăn có nhiều thành phần chứa chất béo và thức ăn, cay, nóng, làm tình trạng táo bón ngày càng nặng hơn.

Người cao tuổi còn thường có xu hướng lười uống nước (sợ đi tiểu nhiều lần), dẫn đến việc cơ thể thiếu nước, làm cho phân trở nên khô và khó đi qua ruột.

Người cao tuổi ít vận động làm giảm hiệu quả hoạt động hệ tiêu hóa

Trong quá trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chúng ta đều biết, người già thường có xu hướng ít vận động hoặc do bệnh lý làm người già phải nằm một chỗ và không thực hiện đủ lượng hoạt động thể chất. Điều này dẫn đến sự giảm nhu động ruột, làm cho hệ tiêu hóa hoạt động không hiệu quả, gây ra tình trạng táo bón.

Thói quen nhịn đại tiện thường xuyên

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: Freepik

Càng nhịn đi đại tiện thì phân càng khô cứng, phản xạ co bóp của đại tràng cũng dần suy yếu, gây mất cảm giác muốn đi ngoài tự nhiên. Cho nên, thói quen nhịn đi đại tiện thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón và ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Do bệnh và tác dụng phụ của thuốc gây khó khăn cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Biến chứng của một số bệnh lý ở người già có thể dẫn đến tình trạng táo bón như:

  • Bệnh trĩ: bệnh thường gây đau rát và chảy máu nên khiến người bệnh ngại đi ngoài, làm cho tình trạng táo bón nặng hơn.
  • Bệnh suy giảm chức năng tuyến giáp: làm giảm tiết hormon T3, T4, làm chậm toàn bộ quá trình tiêu hóa, dẫn đến tình trạng táo bón ở người già.
  • Người cao tuổi thường mắc một số bệnh mãn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường cũng làm ảnh hưởng đến chức năng hệ tiêu hóa.

Một số thuốc người cao tuổi đang dùng như thuốc có chất tanin, thuốc chống trầm cảm, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày (gastropulgite), lạm dụng một số thuốc có tác dụng nhuận tràng (forlax, duphalac) cũng gây táo bón.

Ảnh hưởng của chứng táo bón đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Nếu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc táo bón đúng cách, thì tình trạng này sẽ được cải thiện và tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, táo bón ở người già có thể xảy ra thường xuyên và gây ra những biến chứng nguy hiểm sau đây:

Ứ đọng chất thải gây tắc ruột

Đây là một trong những hậu quả sức khỏe thường gặp do táo bón gây ra ở người lớn tuổi. Tình trạng ứ đọng chất thải lâu ngày có thể gây tắc ruột, và kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như đau quặn bụng, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, khó đi vệ sinh. 

Ngoài ra, khi chất thải ứ đọng trong ruột lâu ngày sẽ sinh ra chất độc. Khi cơ thể hấp thụ những chất độc này sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người già.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: Freepik

Vì vậy, nếu gặp tình trạng này, cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Ảnh hưởng đến chức năng vùng hậu môn và trực tràng

Người mắc táo bón thường phải rặn mạnh để đi tiêu, từ đó gây áp lực làm tổn thương đến hệ thống tĩnh mạch hậu môn, gây sưng viêm và hình thành búi trĩ.

Ngoài ra, táo bón ở người cao tuổi cũng có thể gây nứt kẽ hậu môn. Nếu không được điều trị sớm, nứt kẽ hậu môn có thể gây nhiễm trùng và tạo ra các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng sức khỏe người cao tuổi như rò hậu môn.

Mạch máu bị tổn thương

Táo bón thường xuyên gây áp lực lớn và liên tục có thể gây ra các vấn đề như sưng tấy, viêm nhiễm, rối loạn tuần hoàn máu trong khu vực hậu môn và trực tràng. Điều này có thể gây tổn thương đến mạch máu, bao gồm viêm nhiễm tĩnh mạch hậu môn, xuất huyết.

Táo bón làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Khi mắc táo bón, người già phải rặn nhiều dẫn đến tim đập nhanh, người mệt mỏi, thậm chí là bất tỉnh hoặc đột tử do nhồi máu cơ tim.

Táo bón ở người già còn có thể là yếu tố nguy cơ làm tăng nặng các tình trạng bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, chứng loạn nhịp tim…

Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa táo bón ở người già?

Cách điều trị táo bón và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tùy theo nguyên nhân gây ra táo bón và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ có cách điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khác nhau. Thông thường táo bón sẽ điều trị bằng thuốc, được chia thành từng nhóm nhỏ sau theo cơ chế tác động của thuốc:

  • Nhóm thuốc tạo khối phân: đây là nhóm thuốc có tác động tại chỗ, giúp làm mềm phân và dễ đi qua đường tiêu hóa hơn.
  • Nhóm thuốc thẩm thấu nước: có tác dụng làm mềm phân, giúp thúc đẩy quá trình đi ngoài. Thuốc trong nhóm này thường chứa đường và muối vô cơ, giúp tăng khả năng thẩm thấu nước và giữ nước trong ruột.
  • Nhóm thuốc kích thích nhu động ruột: thuốc thường ở dạng lỏng, được sử dụng dưới dạng ống tiêm để thúc đẩy nhu động ruột, giúp đẩy phân ra ngoài nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.
  • Nhóm thuốc làm mềm phân: thuốc tác dụng chậm trong vài ngày, làm kích thích sự bài tiết nước và chất điện giải vào ruột, làm mềm phân một cách từ từ, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn trong hệ tiêu hóa.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: Freepik

Cách phòng tránh và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc táo bón

Cải thiện chế độ dinh dưỡng để hạn chế táo bón và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

  • Bổ sung chất xơ và vitamin: người cao tuổi nên có chế độ ăn hạn chế táo bón khoa học như ăn nhiều rau xanh, đặc biệt các loại rau có tính nhuận tràng như mồng tơi, rau lang, rau muống, rau đay, rau dền, sắn dây,… Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên bổ sung đủ vitamin từ các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, đu đủ chín, chuối, táo, lê,…
  • Uống đủ nước: khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cần bổ sung đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Nước có tác dụng làm mềm phân và giúp giảm cảm giác đau đớn khi đi ngoài.
  • Hạn chế thức ăn gây táo bón: người cao tuổi nên hạn chế ăn thức ăn có tính cay nóng và chứa nhiều dầu mỡ, cũng như giới hạn bia rượu, trà, cà phê.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: Freepik

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt phòng ngừa táo bón và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

  • Tăng cường vận động mỗi ngày: biện pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đúng cách là nên xây dựng thói quen và duy trì tập luyện thể dục mỗi ngày, nên tập nhẹ nhàng tùy theo sức khỏe người già. Việc tập thể dục không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói chung, mà còn có hiệu quả giúp tăng nhu động ruột và giảm táo bón. 
  • Tập thói quen đi đại tiện: người cao tuổi nên đi đại tiện đúng tư thế và cố định vào cùng một giờ hàng ngày, tuyệt đối không nhịn đi đại tiện và không nên ngồi lâu mỗi lần đi ngoài.
  • Giữ tinh thần luôn thoải mái: vì tình trạng tâm lý căng thẳng, lo lắng, muộn phiền có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người già và chức năng hệ tiêu hóa.

Một số câu hỏi thường gặp khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mắc táo bón

Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể gây nên tình trạng táo bón ở người lớn tuổi không?

Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa có thể góp phần gây táo bón. Tuy nhiên, đối với một số người lớn tuổi nhạy cảm với protein có trong sữa bò, sữa cũng có thể gây nên tình trạng tiêu chảy. Táo bón do sử dụng sữa thường gặp hơn ở trẻ em.

Táo bón ở nam giới và phụ nữ lớn tuổi có khác nhau không?

Tỷ lệ người già gặp táo bón khác nhau ở từng độ tuổi và giới tính: 

  • Độ tuổi từ 65 trở lên: tỉ lệ ở nữ giới là 26% và nam giới là 16%. 
  • Độ tuổi trên 80: tỉ lệ là 34% đối với nữ giới và 26% đối với nam giới.

Người già bị táo bón khi nào cần đến bệnh viện?

Theo thống kê, có khoảng ⅓ người già mắc táo bón và một nửa trong số đó phải đến khám tại các cơ sở y tế vì căn bệnh này.

Khi người cao tuổi gặp tình trạng táo bón nặng và kéo dài, kèm các triệu chứng nghiêm trọng nghi ngờ do bệnh lý (tắc ruột) thì cần nhanh chóng được đưa đi khám tại các cơ sở y tế. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nguồn: WeCare 247

Đọc thêm:

WeCare 247 hy vọng rằng những thông tin bổ ích trên sẽ giúp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tốt hơn, tránh được nguy cơ mắc táo bón lúc tuổi già.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt luôn là biện pháp đầu tiên nên được lựa chọn để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phòng ngừa táo bón. Người cao tuổi nên tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Hãy theo dõi Fanpage WeCare 247 để luôn cập nhật những kiến thức bổ ích về sức khỏe bạn nhé!

Bài viết có sử dụng thông tin từ website của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Đánh giá bài viết

5/5 - (6 bình chọn)

Bài viết khác

Tăng Cường Sức Khỏe Gia Đình: Cách Uống Nước Đúng & Có Lợi Nhất Cho Cơ Thể
Tăng Cường Sức Khỏe Gia Đình: Cách Uống Nước Đúng & Có Lợi Nhất Cho Cơ Thể
Dinh Dưỡng Cho Sức Khỏe Gia Đình: 5+ Loại Đồ Uống Giảm Đầy Bụng, Khó Tiêu
Dinh Dưỡng Cho Sức Khỏe Gia Đình: 5+ Loại Đồ Uống Giảm Đầy Bụng, Khó Tiêu
Cẩm Nang Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình: 5+ Loại Thực Phẩm Khiến Cơ Thể Nhanh Mất Nước
Cẩm Nang Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình: 5+ Loại Thực Phẩm Khiến Cơ Thể Nhanh Mất Nước
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận